Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Chuyện thời sự, báo mạng, blog và còm

Chuyện tin tức, thời sự
Xưa nay tính mình thích lang thang đi đây đi đó. Nếu rảnh hoặc chẳng đi đâu thì lang thang trên mạng. Đọc báo chán thì vào xem các blog. Thể thao chẳng ham mấy, ca nhạc chỉ thích nghe mà không thích coi. Các lĩnh vực nghệ thuật thì lại càng "ấm ớ hội tề". Rốt cuộc chỉ khoái có mỗi chuyện tin tức thời sự.
Thời sự thì vô vàn chuyện.
Chuyện thế giới như cướp biển ở Somali, đánh nhau ở I rắc, biểu tình ở Ai cập, hục hặc giữa Israen và Iran, động đất ở Nhật, "cướp phố Wall" ở Mỹ, lụt lội ở Thái Lan ...
Còn chuyện trong nước thì vô thiên lủng, từ chuyện làng chuyện xã như ông thẩm phán ôm vợ ông kỹ sư, vợ nhà báo tưới xăng đốt chồng ... chuyện thời sự xã hội như giáo sư Ngô Bảo Châu lãnh giải Fields, "hiệp sĩ đường phố" thi nhau bắt cướp, xăng dầu điện nước tăng giá, quan chức xài bằng giả ...  cho tới chuyện quốc gia đại sự như hải quân Việt Nam được trang bị tàu ngầm vào năm 2014, Trung quốc cắt cáp tàu Bình Minh, các chuyến thăm qua thăm lại của mấy vị nguyên thủ ...
Ngẫm lại cũng buồn. Chuyện thời sự mình dẫn ra tích cực thì ít mà tiêu cực thì nhiều. Hay tại mình bi quan với thời cuộc mà nhìn đời không tươi?

Chuyện báo mạng và blog
Mình khoái chuyện thời sự, nhưng ngồi cà phê nói chuyện thời sự, lỡ gặp thằng cha nào hăng tiết vịt, nói chuyện "chính trị chính em" có ngày đi tù oan. Chi bằng thời sự trên mạng cho lành.
Đọc thời sự báo mạng cũng có cái hay của báo mạng: cập nhật nhanh chóng, tin tức nóng hổi. Nhưng báo mạng có cái dám viết, có cái không. Còn tính thời sự ở blog thì khỏi nói. Đọc mờ con mắt. Có chuyện gì mà các bloger không dám viết. Chuyện bên Tây bên Mỹ, chuyện đại sự quốc gia, chuyện xã chuyện làng ... có đủ. Chuyện báo mạng đăng rồi, mang về đăng lại chua thêm một hai câu bình luận cũng có. Chuyện báo mạng chưa viết thì anh em ta viết. Chuyện báo mạng không đăng thì anh em ta đăng. Đăng rồi thi nhau "còm".
Cái vụ còm này thì mình khoái. 
Cái khoản viết lách thì mình tự biết mình dở. Đã dở lại còn lười. Viết không được thì đi còm là hay nhứt. Người ta viết rồi, thấy hay thì hưởng ứng, thấy thiếu thì thêm một hai câu, chẳng phải nghĩ nhiều, chẳng phải viết. Khỏe re!
Mà đâu phải đi còm ở blog thôi đâu, báo mạng tờ nào cho đăng những góp ý hoặc phê phán thẳng thắn mình cũng còm. Báo điện tử tiện hơn báo in ở chỗ đó, vừa đọc vừa có thể  góp ý nên dạo sau này mình cũng đỡ tốn tiền mua báo giấy!
Nhưng vẫn khoái các blog hơn, thông tin đa chiều, còm cũng thoải mái hơn.

Chuyện còm
Sau gần hai năm tham gia đọc và còm trên các blog chuyên mảng thời sự, mình cũng rút ra được chút ít kinh nghiệm.
Với các blog, mình là khách, người ta là chủ nhà nên mình phải tôn trọng bài vở của chủ nhân. Bài viết của người ta là tâm huyết của người ta. Hay dở đúng sai là tùy cảm nhận của mỗi người. Người ta chẳng bắt anh đọc, cũng chẳng mời anh coi. Nếu thích thì anh theo dõi, tâm đắc bài viết người ta thì anh góp vài ý kiến. Nếu không thích thì đi chỗ khác. Cõi mạng mênh mông!
Đáng tiếc có những blog khá uy tín, bài vở đặc sắc, công phu nên mình rất thích. Nhưng khi đọc đến phần comment thì lại thấy giảm đi giá trị hình ảnh của chủ nhà.  Cá tính của blog thể hiện ở từng bài viết, nhưng cũng thể hiện rất rõ ở phần comment.
Đối với mình, còm là cũng phải văn hóa. Còm cũng phải thể hiện chí hướng và cá tính của mình.
Để nhận được sự đồng cảm và tôn trọng của người khác qua vài ba câu chẳng phải chuyện dễ dàng.
Và phải nhớ câu ông bà dạy: Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.




Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

TRUNG QUỐC HẠNG 1, BẮC TRIỀU TIÊN HẠNG 2



Lãnh tụ Kim Jong-in của Bắc Triều Tiên qua đời, người dân trong nước khóc thương thảm thiết (không biết các đoạn video và hình ảnh được truyền khắp thế giới về nỗi tiếc thương này có bao nhiêu nước mắt là khóc thật).

Sau khi cái chết của ông Kim Jong-in được thông báo, nền tài chính châu Á xáo trộn, chỉ số chứng khoán cả châu lục hầu hết đều giảm điểm, quân đội Hàn Quốc báo động, Nhật Bản họp nội các khẩn cấp, Nhà Trắng thì "theo dõi sát sao" tình hình để kịp thời bảo vệ các "đồng minh thân thiết" ...




Đại tướng Kim Jong-un, "người kế thừa vĩ đại" mặt còn tươm sữa sẽ kế nhiệm cha mình lãnh đạo đất nước.
Các thông tin về đất nước mà "người kế thừa vĩ đại" bắt đầu đảm đương trọng trách nặng nề của mình còn khá mù mờ với thế giới.
Theo Wikipedia thì dân số Bắc Triều Tiên là 22.900.000 người (ước lượng năm 2006, thứ 48 trên thế giới), quân đội có 1,21 triệu lính chính quy và 4.700.000 lính dự bị (lớn thứ tư thế giới về quân số), có đầy đủ các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng lãnh đạo tối cao là tuần tự cha truyền con nối nhà họ Kim (đầu tiên ông Kim Nhật Thành, rồi đến ông Kim Jong-in, và bây giờ đến "người kế thừa" Kim Jong-un).

mua hàng, giống thời bao cấp của Việt Nam?
Đặc biệt, Bắc Triều Tiên tự xếp mình đứng hạng thứ 2 (98 điểm) trong các quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc (100 điểm). Tiếp sau nữa theo trình tự là Cu Ba, Iran, Venezuela... Cũng theo thống kê này của Bắc Triều Tiên thì Hàn Quốc đứng thứ 152 với 18 điểm, còn tên đế quốc to đầu Hoa Kỳ đứng bét vì chỉ được 3 điểm!

Nhìn người ta rồi nghĩ đến mình, thấy cũng còn may! 
Nếu Việt Nam không có công cuộc đổi mới, cải tổ, thì bây giờ có khi chúng ta cũng đang tự xếp hạng mình đứng thứ nhất nhì thế giới về văn minh, công nghệ ... gì đó chứ chẳng chơi.
Nghĩ đến mà lạnh mình.

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

SÓI BIỂN ƠI, PHÍA SAU ANH LÀ CẢ MỘT DÂN TỘC

...gần 30 năm bám biển Hoàng Sa, thông thuộc từng hòn đá, rạch nước, rặng san hô ... Bao lần bị tàu Trung Quốc chặn bắt, phá ngư cụ, đuổi đánh ... 4 lần bị lính Trung Quốc, bắt nhốt, giam cầm, thu tàu đòi tiền chuộc ... nhưng sói biển cùng 3 cậu con trai cũng quen nghề bám biển cùng bố, vẫn nhằm hướng Hoàng Sa, mỗi chuyến ra khơi.
... Giữ đất ông cha bằng tấm lòng và ... tay không. Chắc chẳng quốc gia nào xảy ra chuyện này. Thế nhưng đó là sự thật, thật đến nghẹn ngào ...


Đọc những câu viết xúc động Mai Thanh Hải nói về sói biển Mai Phụng Lưu mà kính phục thay cho tinh thần bất khuất của ngư dân đảo Lý Sơn.
Trong lúc những người dân phố thị mê mải với những cuộc vui say, kèn cựa với những hơn kém thiệt thua trong cuộc sống. Trong lúc phần lớn thanh thiếu niên vẫn miệt mài với game online, với thời trang sành điệu chốn thị thành... Thì vẫn còn đây, những người con nước Việt miệt mài với những chuyến ra khơi, đương đầu với sóng gió, đương đầu với nguy cơ mất tàu, thậm chí nguy cơ tính mạng chỉ để khẳng định một điều: biển của ông bà mình (lời khẳng định của sói biển Mai Phụng Lưu).
Biển của ông bà mình, còn câu khẳng định nào rõ ràng và dứt khoát hơn? Câu nói đơn giản nhưng cương quyết của Mai Phụng Lưu làm những người đã quan tâm hoặc chưa quan tâm đến những vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc không ít nhiều hổ thẹn.
Chúng ta đã làm được gì cho sự toàn vẹn của đất Mẹ? Chúng ta nhìn nhau và ngần ngại lo âu những rủi ro có thể xảy đến với mình và gia đình. Chúng ta biện minh trong thời buổi kinh tế khó khăn, phải lo miếng cơm manh áo, sách vở bút mực cho con cái...
Nhưng ngoài biển khơi kia với đầy những nguy cơ đang tiềm ẩn, đồng bào của chúng ta đang hàng ngày hàng đêm đấu tranh với những nghiệt ngã của thiên nhiên, thời tiết, với những con người không phải là đồng bào  đang chực chờ đuổi bắt, thu tàu, đánh đập... Ngoài việc ra khơi để mưu sinh, những người con ưu tú của đất Mẹ Việt Nam đang khẳng định cho thế giới thấy rằng: Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, không một thế lực nào có thể hăm dọa, cưỡng bức để thay đổi chân lý đó!
 
Thương lắm, sói biển ơi. Chia xẻ lắm, những đồng bào ruột thịt trên đảo Lý Sơn ơi!
 Chúng ta, mỗi người dân nước Việt, từ rừng cao đến phố thị, từ trung du đến đồng bằng hãy có những hành động thiết thực hỗ trợ bằng tinh thần, đóng góp bằng vật chất cho tuyến tiền tiêu ngoài khơi xa thêm vững lòng trước  những khó khăn, vững tin sau bánh lái để sẵn sàng đối phó với những hiểm nguy đang chực chờ phía trước.